Tris 18/09/2019
Có quá nhiều bài viết, hướng dẫn, tin tức về Bitcoin, Altcoin, tiền mã hoá, cryptocurrency mà bạn chẳng biết bắt đầu từ đâu?
Hãy khởi động từ bài “Bitcoin là gì? Những điều về Bitcoin mà người mới cần phải biết”. Đây là một phần trong chuỗi bài viết Bitcoin cho người mới mà tiendientu.org muốn gửi đến độc giả.
Bài học vỡ lòng của thị trường crypto không phải là làm sao trade thắng, làm sao kiếm được nhiều lợi nhuận từ Bitcoin, mà là tìm hiểu về Bitcoin để hiểu rõ bản chất Bitcoin là gì, tiền mã hoá là gì. Từ đó, bạn mới có thể bắt đầu quy trình mua – lưu trữ – bán – trade trên sàn, hay tham gia các loại hình đầu tư bằng tiền mã hoá khác như ICO, IEO…
Nào, chúng ta hãy bắt đầu hành trình khám phá Bitcoin và thế giới cryptocurrency từ những điều cơ bản nhất ngay hôm nay!
Nội dung bài viết
Bitcoin (kí hiệu: BTC) là đồng tiền mã hóa đầu tiên có mặt trên thị trường cryptocurrency. Tuy gọi là “đồng tiền”, song Bitcoin không tồn tại ở dạng tiền giấy giống như Dollar hay Euro mà nó hiển thị trên hệ thống máy tính có mặt ở khắp thế giới, sử dụng phần mềm có thể xử lý các thuật toán.
Bitcoin sử dụng giao thức ngang hàng (peer-to-peer) cho tất cả các giao dịch. Đồng nghĩa, giao dịch sẽ được thực hiện trực tiếp từ người gửi đến người nhận mà không phải qua bất cứ tổ chức hay cá nhân trung gian nào.
Khi đã tìm hiểu về Bitcoin, có kiến thức cơ bản định nghĩa Bitcoin là gì, bạn sẽ nhận ra tiền điện tử này khác với tiền tệ thông thường.
Bitcoin có thể được dùng để thanh toán trên internet. Theo cách này, Bitcoin có phần giống như Dollar, Euro, Yên Nhật khi được giao dịch kĩ thuật số.
Tuy nhiên, đặc điểm nổi bật nhất của Bitcoin chính là tính phân cấp. Không có bất cứ tổ chức hay chính phủ nào đứng ra kiểm soát mạng lưới Bitcoin. Điều này tạo ra sự dễ dàng cho tất cả mọi người bởi sẽ không có một ngân hàng lớn nào có thể kiểm soát tiền của họ. Đồng nghĩa, tài sản của bạn sẽ không cần phải gửi cho người khác cất giữ.
Bạn hoàn toàn nắm giữ tài sản của mình. Tài khoản của bạn cũng không thể bị đóng băng như các tài sản gửi ngân hàng khác.
Năm 2009, lập trình viên (hoặc một nhóm lập trình viên) dưới bí danh Satoshi Nakamoto đã công bố phần mềm nguồn mở có tên là Bitcoin. Satoshi Nakamoto đã tạo ra hệ thống thanh toán điện tử dựa trên các thuật toán. Ý tưởng này nhằm tạo ra một loại tiền tệ không bị lệ thuộc vào bất kì cơ quan trung gian nào. Song, cũng có thể giao dịch thông qua internet một cách nhanh chóng với mức phí cực thấp. Và đó là cách Bitcoin ra đời.
Đã có rất nhiều tin đồn về danh tính thực sự của người tạo ra BTC. Tuy nhiên, tất cả những người được đề cập trong những tin đồn đã công khai phủ nhận là Nakamoto. Ngoại trừ duy nhất một vị là Craig Steven Wright, một nhà khoa học và doanh nhân người Úc. Ông này còn khăng khăng tự nhận mình là cha đẻ Bitcoin. Song, tuyên bố này chẳng được mấy người tin tưởng…
Đến nay, Satoshi Nakamoto vẫn là một cái tên bí ẩn. Người đàn ông (hoặc thậm chí là phụ nữ) này cũng là nhân vật sở hữu những đồng Bitcoin đầu tiên. Địa chỉ ví của Nakamoto lên đến cả triệu BTC. Tuy nhiên, người ta phát hiện ông chưa chuyển đi bất cứ BTC nào từ địa chỉ ví này. Nhiều người còn nghi ngờ rằng có thể đây là người ngoài hành tinh.
Không ai kiểm soát Bitcoin.
Đối với nhiều người, lợi thế chính của Bitcoin là tính độc lập với các chính phủ, ngân hàng và các tập đoàn, tổ chức lớn. Không một cơ quan nào có thể can thiệp vào các giao dịch BTC. Không ai được quyền áp dụng phí giao dịch hoặc lấy tiền của mọi người. Hơn nữa, Bitcoin cực kỳ minh bạch. Mọi giao dịch đơn lẻ đều được lưu trữ trong một sổ cái phân tán lớn được gọi là Blockchain.
Về cơ bản, Bitcoin mang lại cho người dùng toàn quyền kiểm soát tài sản của họ.
Theo nhà phát triển nòng cốt của network Bitcoin là Gavin Andresen, điều đầu tiên ông tập trung vào sau khi Nakamoto rời khỏi dự án là phát triển Bitcoin phân cấp hơn nữa. Andersen muốn Bitcoin tiếp tục tồn tại một cách tự chủ, ngay cả khi không còn nhà phát triển nào. Thực sự, càng tìm hiểu về Bitcoin, bạn sẽ thấy nó vừa kỳ bí, vừa thú vị.
Tất cả những gì mọi người thấy chỉ là số dư BTC trên ví và các kết quả giao dịch, lợi nhuận,… Song, ít ai biết đằng sau hậu trường, network Bitcoin đang chia sẻ một sổ cái công khai gọi là Blockchain. Blockchain Bitcoin chứa mọi thông tin giao dịch từng được xử lý. Hồ sơ kỹ thuật số của các giao dịch được kết hợp thành một block.
Nếu ai đó cố gắng thay đổi chỉ một chữ cái hoặc một chữ số trong một block; điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến tất cả các block sau đó. Vì Bitcoin là một sổ cái công khai. Do đó, bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng phát hiện và sửa chữa những lỗi trên network.
Ví Bitcoin của người dùng có thể xác minh tính hợp lệ của mỗi giao dịch. Tính xác thực của mỗi giao dịch được bảo vệ bằng chữ ký số tương ứng với địa chỉ gửi.
Tốc độ của quá trình xác minh nhanh hay chậm tùy thuộc vào nền tảng giao dịch. Đôi khi có thể mất vài phút (cho đến vài giờ) để giao dịch BTC hoàn thành. Giao thức Bitcoin được thiết kế sao cho mỗi block mất khoảng 10 phút để mining.
Tiếp tục chủ đề này, Tiendientu.org cũng sẽ đề cập đến một khái niệm cực kỳ quan trọng khi nhắc đến Bitcoin. Đó chính là mining hay còn gọi là đào Bitcoin.
Mining (đào) là phần quan trọng nhất của bất kỳ cryptocurrency nào sử dụng thuật toán Proof of Work. Và giống như giao dịch, mining cũng là một khoản đầu tư. Về cơ bản, các miner (thợ đào) đang đóng góp sức mạnh tính toán của mình để giải quyết các bài toán phức tạp nhằm xác nhận giao dịch và ghi lại nó trên Blockchain.
Rất nhiều người đã trở nên giàu có bằng cách mining Bitcoin. Trước đây, bạn có thể tạo ra lợi nhuận đáng kể từ việc mining chỉ bằng một chiếc máy tính bàn, hoặc thậm chí là một chiếc máy tính xách tay đủ mạnh. Hiện nay, thợ đào đã đầu tư những dàn máy khủng chuyên dụng để đào Bitcoin, thu được BTC dùng trong giao dịch hay tích trữ đầu tư.
Bitcoin mang những đặc điểm khác biệt so với các loại tiền tệ do chính phủ phát hành.
Mạng lưới Bitcoin không tập trung, không có máy chủ hoạt động dựa trên mạng ngang hàng. Do đó, network Bitcoin không thể xảy ra việc thao túng, sập server hay chủ server bị bắt và bị chính phủ đánh sập…
Mạng lưới Bitcoin không do bất cứ một cơ quan nhà nước nào kiểm soát, hoàn toàn tự do. Tất cả các máy đào và xử lý các giao dịch Bitcoin là một phần của mạng lưới và chúng làm việc cùng nhau trên mạng lưới này.
Một cơ quan trung ương sẽ có thể dùng quyền lực của mình can thiệp vào chính sách tiền tệ để lấy đi tài sản của bạn đang sở hữu như Ngân hàng trung ương Châu Âu đã làm tại Cyprus vào đầu năm 2013. Bitcoin thì khác, vì không thuộc sở hữu bởi bất cứ ai, nên không ai có thể lấy đi Bitcoin của bạn kể cả chính phủ.
Và nếu một phần của mạng lưới Bitcoin bị “đứt” vì lý do nào đó, dòng tiền sẽ vẫn tiếp tục chảy.
Để tạo được một tài khoản ngân hàng, bạn cần phải trải qua nhiều khâu, và buộc bạn nộp các tài liệu, thông tin cá nhân cho ngâ hàng. Trong khi đó, với Bitcoin, bạn có thể tạo ví lưu trữ Bitcoin chỉ trong vài giây, và không tốn lệ phí nào..
Một người có thể nắm giữ nhiều địa chỉ Bitcoin và không cần khai báo tên, địa chỉ hoặc các thông tin cá nhân. Không ai có thể truy ra bạn sở hữu những ví Bitcoin nào, tổng tài sản Bitcoin của bạn là bao nhiêu.
Hệ thống Bitcoin sẽ lưu lại thông tin chi tiết của các giao dịch trên mạng lưới trong một sổ cái được gọi là “Blockchain”. Sổ cái Blockchain sẽ cho bạn biết tất cả mọi thứ.
Nếu bạn có một địa chỉ Bitcoin sử dụng công khai thì bất kì ai cũng có thể biết được hiện tại có bao nhiêu Bitcoin trong địa chỉ này. Nhưng, chắc chắn rằng họ không thể biết được ai là chủ sở hữu của số Bitcoin đó. Đây là một điểm thú vị khi bạn tìm hiểu về Bitcoin.
Một số người sử dụng những cách thức để giao dịch Bitcoin không bị nhận diện. Chẳng hạn như dùng nhiều địa chỉ Bitcoin, không chuyển nhiều Bitcoin vào cùng một địa chỉ.
Bạn không thể hack trực tiếp vào hệ thống network của Bitcoin. Nếu muốn làm điều đó, bạn cần phải hack vào tất cả các node ở mạng lưới của Bitcoin cùng một thời điểm. Và đây là một nhiệm vụ bất khả thi!
Ngân hàng có thể lấy từ túi bạn 10 Euro cho một giao dịch quốc tế. Nhưng với Bitcoin, bạn không cần phải đau đầu với các khoản phí giao dịch quá lớn như những hệ thống thanh toán truyền thống nữa. Đã có một lần, Loaded, nhà đầu tư tiền mã hóa từ sớm với các bài chia sẻ “triệu like” trên BitcoinTalk, đã chuyển hơn 200 triệu USD Bitcoin chỉ với 3.93 USD. Vào tháng 01/2018, khi giá Bitcoin vẫn dao động trên 11.000 USD, Loaded đã chuyển đi 40.000 BTC (khoảng 435 triệu USD) với mức phí chỉ 1.09 USD.
Ngoài ra, bạn có thể gửi tiền đi bất cứ đâu và chúng sẽ đến với người nhận chỉ trong vòng vài phút. Hãy tưởng tượng nó nhanh như việc bạn gửi Email vậy.
Một khi Bitcoin của bạn được chuyển đi thì sẽ không thể lấy lại được trừ khi người nhận gửi lại cho bạn. Bởi khi thông tin đã được ghi vào Blockchain, không một ai có thể thay đổi hay chỉnh sửa thông tin đó được. Do đó, khi chuyển BTC đi, bạn hãy kiểm tra địa chỉ ví người nhận hết sức cẩn thận.
Thông tin trong Blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các node trong hệ thống. Và hệ thống này được bảo toàn ngay cả khi một phần trong hệ thống gặp vấn đề.
Theo nguồn gốc hình thành, đào (mining) chính là cách đầu tiên để sở hữu được Bitcoin. Chỉ vài năm trước đây, bất cứ ai có máy tính đủ mạnh đều có thể khai thác Bitcoin. Song, bây giờ chuyện này đang dần trở nên khó hơn. Bởi, mức độ phổ biến và giá Bitcoin ngày càng tăng khiến các công ty lớn đã đặt chân vào cuộc chơi, trang bị những trang thiết bị tối tân hơn chúng ta. Từ đó, độ khó đào coin và hashrate tăng vọt. Hơn nữa, sau Bitcoin Halving 2020, phần thưởng đào coin sẽ giảm đi một nửa.
Cách đơn giản nhất để có Bitcoin là mua. Bạn có thể mua Bitcoin trên nhiều sàn giao dịch như Coinbase, Binance, Huobi,…
Ngoài ra, bạn có thể mua Bitcoin trên thị trường OTC. Bạn có thể thanh toán cho họ bằng tiền mặt, chuyển khoản hoặc thậm chí trả bằng các loại tiền mã hóa khác.
Ở một số nơi, bạn còn có thể mua Bitcoin từ các cây ATM. Song, tính đến năm 2019, ở Việt Nam không còn ATM nào hoạt động nữa.
Vào ngày 22/5/2010, 10.000 bitcoin đã được dùng để để mua 2 chiếc pizza có giá trị chỉ tầm $25. Giao dịch mua pizza này cũng được xem là giao dịch thực đầu tiên trên thế giới sử dụng Bitcoin.
Đến nay, quy mô chấp nhận Bitcoin đang ngày càng mở rộng. Những người nắm giữ Bitcoin bạn sẽ có thêm nhiều lựa chọn mua sắm và chi tiêu.
Đơn cử, các công ty khổng lồ như Microsoft và Dell đã chấp nhận thanh toán BTC cho nhiều loại sản phẩm và nội dung số của họ. Bạn có thể dùng Bitcoin thanh toán cho vé máy bay trên các hãng hàng không AirBaltic và Air Litva; hay mua vé Theatre Tickets Direct của Anh. Thậm chí, bạn có thể dùng Bitcoin để uống một vài chai bia craft từ Honest Brew,…
Ngoài ra, bạn có thể thanh toán tiền khách sạn và mua bất động sản, chi trả hóa đơn ở nhiều quán bar và nhà hàng trên khắp thế giới bằng Bitcoin. Thậm chí, bạn có thể tham gia trang web hẹn hò, mua thẻ quà tặng, đặt cược vào sòng bạc trực tuyến và quyên góp bằng Bitcoin.
Mỗi ngày, có thêm nhiều doanh nghiệp – từ các cửa hàng cà phê nhỏ đến các đại gia trong ngành – chấp nhận thanh toán bằng BTC.
Hơn nữa, Bitcoin còn là một khoản đầu tư đáng chú ý. Bạn có thể mua để trữ (trường phái hold). Hoặc, bạn mua và trade Bitcoin trên các sàn giao dịch crypto.
Giá Bitcoin (BTC) hôm nay:
Bitcoin không bị kiểm soát bởi các cơ quan quản lý, không bị áp đặt nhiều loại phí và trao quyền kiểm soát tiền tệ cho mọi người. Thậm chí, bạn có thể dùng Bitcoin để mua một vài loại hàng hóa mật trên các trang web ngầm.
Một trong những đặc điểm tiền tệ nói chung là tính di động. Đồng nghĩa bất kỳ đồng tiền nào cũng phải dễ mang theo và sử dụng. Bitcoin hoàn toàn vận hành trên môi trường số hóa. Do đó, bạn có thể mang chúng theo trên một ổ đĩa cứng, một chiếc laptop hoặc smartphone.
Bitcoin cho phép mọi người gửi và nhận tiền chỉ bằng một lần quét mã QR. Bạn chỉ cần chờ từ 1 – 2 phút để xác nhận giao dịch, không có những phí khổng lồ hay bất kỳ trung gian nào. Tất cả những gì bạn cần là truy cập Internet.
PCI là viết tắt của Payment Card Industry, áp dụng cho thẻ ghi nợ, tín dụng, trả trước, ví điện tử, thẻ ATM, POS và các doanh nghiệp liên quan. PCI có các quy định bảo mật nghiêm ngặt và hầu hết các thương hiệu thẻ thanh toán lớn đều phải chấp hành. Dù có quy tắc và quy định thống nhất sẽ tốt cho các công ty lớn. Song, phía phát hành thẻ đôi khi cũng không xem xét đến nhu cầu của mọi người. Trong khi đó, khi sử dụng Bitcoin, bạn không cần tuân thủ các tiêu chuẩn PCI. Bitcoin cho phép người dùng sử dụng trên mọi thị trường mới, những nơi thẻ tín dụng chưa được sử dụng,…
Người dùng có thể kiểm soát các giao dịch của mình. Không ai được quyền xâm phạm hoặc rút tiền từ tài khoản của bạn mà bạn không biết. Hơn nữa, cũng không ai có thể đánh cắp thông tin thanh toán của bạn từ các doanh nghiệp. Mọi danh tính và thông tin cá nhân của bạn luôn được bảo vệ.
Một trong những cách gian lận phổ biến của tiền tệ truyền thống là lặp chi – sử dụng cùng một số tiền hai lần (double spending). Để chống lại điều này, Bitcoin đã sử dụng công nghệ Blockchain cũng như các cơ chế đồng thuận khác.
Tình trạng pháp lý của Bitcoin thay đổi mạnh mẽ từ quốc gia này sang quốc gia khác. Ở một số quốc gia, việc sử dụng và giao dịch BTC được khuyến khích. Trong khi ở các quốc gia khác, Bitcoin bị cấm hoặc nằm ngoài vòng pháp luật.
Đã có rất nhiều lo ngại liên quan đến sự hấp dẫn của Bitcoin đối với các tay tội phạm. Thật vậy, khi thị trường chợ đen khét tiếng Silk Road bị đóng cửa, Bitcoin ngay lập tức giảm mạnh giá trị.
Bitcoin được công nhận và hoàn toàn hợp pháp ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, một số chính phủ trên thế giới vẫn không có bất kỳ quy định nào liên quan đến BTC thậm chí là cấm tuyệt đối.
Phần lớn các doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, vẫn hoàn toàn không biết gì về Bitcoin. Họ gần như không thể từ bỏ tất cả các loại tiền tệ khác và bắt đầu sử dụng BTC.
Private key là mật khẩu chữ và số cần thiết để truy cập vào ví Bitcoin. Mất private key về cơ bản là mất hoàn toàn ví và số Bitcoin của bạn. Tuy nhiên, hầu hết các ví hiện tại đều có cơ chế sao lưu và khôi phục. Song, rõ ràng người dùng đặc biệt cần cẩn trọng lưu trữ thông tin này.
Giá Bitcoin đã có những thăng trầm, trải qua các chu kỳ tăng vọt và giảm mạnh khác nhau. Thậm chí một số người còn gọi chúng là bong bóng. Trong suốt lịch sử của mình, BTC đã chinh phục những đỉnh cao mới, chỉ để duy trì sự sụt giảm lớn ngay sau đó.
Giá trị của Bitcoin là không thể đoán trước. Nó thay đổi nhanh đến chóng mặt và có thể gây ra thiệt hại tài chính đáng kể cho một nhà đầu tư thiếu thận trọng.
Khi Internet ngày càng phát triển, thương mại điện tử bùng nổ trên toàn cầu và người dân dần mất lòng tin vào hệ thống tài chính truyền thống, thì một đồng tiền như Bitcoin sẽ là giải pháp tiện lợi và có nhiều ưu thế. Đây cũng chính là lý do sẽ giúp Bitcoin tăng giá trong thời gian sắp tới.
Bên cạnh đó, công nghệ nền tảng của Bitcoin là Blockchain đã, đang và sẽ được ứng dụng ngày càng nhiều vào mọi mặt của đời sống hàng ngày, đưa thế giới của chúng ta phát triển theo đường hướng mới – tự do, phi tập trung và nhanh chóng hơn rất nhiều.
Sau khi tìm hiểu về Bitcoin và nắm được Bitcoin là gì, Blockchain Bitcoin hoạt động như thế nào, bạn hãy tiếp tục với Hướng dẫn lưu trữ Bitcoin an toàn. Đây là bài học tưởng chừng như đơn giản nhưng đến khi bị mất tài sản, nhiều người mới thấy thấm.